Trang thông tin điện tử

Phường Trần Phú

PHƯỜNG TRẦN PHÚ, THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI, TỈNH QUẢNG NGÃI
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghị quyết về dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ Công an nhân dân, Quân sự xuất ngũ trở về địa phương, giai đoạn 2025 - 2030

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi vừa ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 30/12/2025 về dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên là hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ Công an nhân dân xuất ngũ và hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ Quân sự xuất ngũ trở về địa phương, giai đoạn 2025 – 2030.

 

Toàn văn Nghị quyết như sau:

I. TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn xác định lực lượng thanh niên, trong đó có thanh niên là hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ Công an nhân dân xuất ngũ và hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ Quân sự xuất ngũ (sau đây viết tắt là thanh niên xuất ngũ) giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố, nguồn lực con người nhằm khẳng định vai trò tiên phong, xung kích, tiềm năng to lớn trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực việc làm của nước ta ngày càng hoàn thiện, các cơ quan, đơn vị chức năng từng bước thể chế đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về vấn đề việc làm, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các vấn đề về lao động, việc làm theo quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần thúc đẩy và bảo đảm việc làm cho thanh niên nói chung, thanh niên xuất ngũ nói riêng.

Hằng năm, tỉnh Quảng Ngãi trung bình có trên 2.500 thanh niên xuất ngũ trở về địa phương, đây được xem là nguồn nhân lực chất lượng, có ý thức tốt về tổ chức kỷ luật trong độ tuổi lao động. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã triển khai, thực hiện nghiêm túc Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làmNghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ. Ngoài ra, địa phương còn thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn như: Ngày hội việc làm, ngày hội thanh niên… Qua đó, hướng nghiệp cho thanh niên trong toàn tỉnh nói chung, thanh niên xuất ngũ trên địa bàn tỉnh nói riêng tiếp cận và định hướng công việc tại địa phương, nhằm ổn định cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai dạy nghề, hỗ trợ việc làm đối với thanh niên trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực đầu tư còn hạn chế; số lượng dự án, doanh nghiệp, công ty chưa nhiều, đa phần có quy mô nhỏ, các chính sách về hỗ trợ việc làm đối với thanh niên xuất ngũ chưa hoàn thiện; các tổ chức hỗ trợ việc làm trên địa bàn tỉnh còn thiếu và yếu, chưa hình thành các khu dịch vụ tập trung hỗ trợ việc làm, khởi nghiệp; các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch phân bố thiếu tính liên kết vùng, chưa thu hút được trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư phát triển. Mặt khác, phần lớn thanh niên xuất ngũ mới tốt nghiệp Trung học phổ thông, việc định hướng nghề nghiệp chưa rõ ràng, chưa xác định được công việc mong muốn để tạo thu nhập ổn định cho bản thân sau khi xuất ngũ.

Hướng nghiệp dạy nghề và giải quyết việc làm cho lực lượng thanh niên xuất ngũ là việc làm cấp thiết, thường xuyên, cần được quan tâm nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách hậu phương quân đội theo Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015; Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làmNghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ; Đề án số 18/ĐA-BCA-X01 ngày 10/7/2023 của Bộ Công an về dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân xuất ngũ giai đoạn 2023 - 2030 và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/7/2022 của Tỉnh ủy về lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh trong tình hình mới.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU

1. Quan điểm chỉ đạo

Đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ nhằm nâng cao chất lượng lao động, bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề, cơ hội việc làm và là chính sách hậu phương quan trọng đối với thanh niên xuất ngũ.

- Học nghề là quyền lợi chính đáng của thanh niên xuất ngũ nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Tổ chức dạy nghề theo nhu cầu học nghề của thanh niên xuất ngũ, nhu cầu lao động, năng lực, khả năng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; trong đó ưu tiên đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề thu hút thanh niên xuất ngũ tham gia lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, lực lượng dự bị động viên, ký hợp đồng lao động với các đơn vị công an, quân đội, địa phương và làm việc trong các doanh nghiệp của công an, quân đội.

   - Dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ góp phần tăng cường thu hút nguồn tuyển chọn thanh niên thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, tạo quy trình khép kín, giải quyết việc làm cho thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo niềm tin, sự phấn khởi của gia đình, bản thân thanh niên, bảo đảm cuộc sống ổn định cho thanh niên xuất ngũ.

2. Mục tiêu

100% thanh niên xuất ngũ được tuyên truyền, tư vấn học nghề và hỗ trợ việc làm.

- Thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ việc làm cho thanh niên là hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân, hạ sĩ quan, binh sĩ Quân sự sau khi được đào tạo nghề hoặc sau khi xuất ngũ; hoàn thiện quy định, quy trình hỗ trợ, đăng ký học nghề, hướng nghiệp cho thanh niên xuất ngũ.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao khả năng, điều kiện dạy nghề và đề xuất mở rộng nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu học nghề của thanh niên nói chung, thanh niên xuất ngũ nói riêng, phù hợp với nhu cầu nghề nghiệp xã hội hiện nay và mang tính lâu dài, bền vững. Đồng thời, các doanh nghiệp, công ty, dịch vụ cần nâng cao nguồn tuyển, nhất là đối tượng thanh niên xuất ngũ trên địa bàn tỉnh, mở rộng ngành nghề nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.

Quản lý chặt chẽ, phát huy tối đa hiệu quả của Thẻ học nghề cấp cho thanh niên xuất ngũ, tránh tình trạng lãng phí hoặc sử dụng không đúng mục đích; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các trường dạy nghề thanh, quyết toán Thẻ học nghề theo quy định.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ trở về địa phương

- Tăng cường quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thanh niên, về đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho thanh niên nói chung, thanh niên xuất ngũ trở về địa phương nói riêng, khuyến khích, phát huy tiềm năng của thanh niên trong lao động sản xuất.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ; tăng cường quán triệt, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp (toàn xã hội) để cùng tham gia vào chủ trương đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ.

- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh niên xuất ngũ ngoài việc tham gia lao động xã hội còn tích cực đóng góp, tham gia vào công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn nơi cư trú, như: Lực lượng dự bị động viên, Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các mô hình về bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương…

2. Tăng cường tuyên truyền, hướng nghiệp, tư vấn học nghề và việc làm cho thanh niên xuất ngũ trở về địa phương

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, định hướng nghề nghiệp. Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền chính sách lao động, việc làm phù hợp cho thanh niên xuất ngũ, nhất là tuyên truyền thông qua các ứng dụng, các trang mạng trên môi trường điện tử.

- Thường xuyên xây dựng kế hoạch, chương trình gặp mặt định hướng nghề nghiệp, thông tin về các chương trình, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề để thanh niên xuất ngũ có cơ hội tiếp cận việc làm phù hợp với nhu cầu và năng lực bản thân.

3. Mở rộng quy mô đào tạo, hỗ trợ việc làm cho thanh niên xuất ngũ trở về địa phương

- Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ trở về địa phương. Chương trình, ngành nghề đào tạo cần bám sát nhu cầu của thị trường lao động để người học nắm vững kiến thức và thành thạo các kỹ năng làm việc ngay sau khi tốt nghiệp, góp phần nâng cao hiệu suất công việc, tăng thu nhập cho người lao động.

- Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho thanh niên xuất ngũ trở về địa phương tham gia học nghề theo đúng quy định. Tư vấn, hỗ trợ việc làm, khởi nghiệp, không để trục lợi chính sách. Có chính sách hỗ trợ kinh phí cho những trường hợp có nhu cầu học Trung cấp, Cao đẳng nghề ở các trường trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thanh niên xuất ngũ.

- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng cơ chế phối hợp, tạo việc làm, bảo đảm chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm gắn kết thống nhất với nhau, tạo điều kiện cho thanh niên xuất ngũ được học tập, rèn luyện và có việc làm ngay nhằm ổn định cuộc sống sau khi trở về địa phương. Hằng năm, khảo sát, báo cáo kết quả đào tạo nghề, hỗ trợ đào tạo nghề bằng Thẻ học nghề và các hình thức học nghề khác của thanh niên xuất ngũ để sơ kết, rút kinh nghiệm.

- Ưu tiên thanh niên xuất ngũ trở về địa phương sau khi học nghề được tiếp cận với chính sách vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và Ngân hàng Chính sách xã hội, được tư vấn và hỗ trợ pháp lý các thủ tục hành chính khi khởi nghiệp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy tổ chức triển khai, quán triệt, thực hiện Nghị quyết phù hợp với thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

2. Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo

- Thể chế hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn và quy định của pháp luật.

- Xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch, trong đó có lộ trình và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân liên quan để triển khai thực hiện Nghị quyết đảm bảo hiệu quả.

- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng cơ chế phối hợp, tạo việc làm cho thanh niên xuất ngũ.

3. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền Nghị quyết trong toàn Đảng bộ và Nhân dân về nội dung và kết quả thực hiện Nghị quyết.

4. Đảng ủy Công an tỉnh

- Phối hợp với Đảng ủy Quân sự tỉnh, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng, triển khai, thực hiện Nghị quyết trong toàn lực lượng.

- Phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xây dựng kế hoạch, chương trình gặp mặt định hướng nghề nghiệp cho thanh niên xuất ngũ.

- Phối hợp với Đảng ủy Quân sự tỉnh và các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả triển khai và tham mưu sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết.

 


Tác giả: D. L

Tin tức - Sự kiện